Công nghiệp Bình Dương: Đổi mới công nghệ sản xuất
Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, nền công nghiệp Bình Dương duy trì sự phát triển ổn định. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Duy trì mức tăng trưởng khá tốt
Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm nay. Hiện tại, phần đa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký được đơn hàng sản xuất, xuất khẩu đến hết quý III-2019, một số doanh nghiệp đã ký đơn hàng cho cả năm sau.
Sở Công thương nhận đinh, nửa đầu năm nay tuy nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất tại Bình Dương vẫn giữ ở mức phát triển ổn định. Điều này phần nào cho thấy, việc thực hiện tốt các nhóm giải pháp của Chính phủ đã giúp tỉnh Bình Dương kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, sự cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, áp dụng chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Chính phủ đồng thời xóa bỏ rào cản thuế quan theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu u – Việt Nam (EVFTA) đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Tận dụng những lợi thế trên, các hiệp hội ngành hàng như dệt may, sơn mài và điêu khắc, chế biến gỗ, gốm sứ, cơ điện, da giày… trên địa bàn tỉnh đã và đang hoạt động hiệu quả. Giám đốc Sở Công thương - ông Nguyễn Văn Dành cho biết, sở cũng đã thường xuyên chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ tình hình doanh nghiệp trong thời gian qua để nắm bắt tình hình, tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ Công thương.
Giải pháp tiên quyết
Nhằm bắt kịp với nền kinh tế hội nhập, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn trong việc cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc cũng như chất lượng đơn hàng.
Bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên, chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư máy móc vì điều này sẽ giúp công ty nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu nguồn lao động chân tay… từ đó tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
Ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cũng đồng tình với quan điểm doanh nghiệp cần có cái nhìn tích cực hơn cho việc đầu tư công nghệ, đây có thể xem như là giải pháp sống còn trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước cũng như sản phẩm gia nhập từ các nước lân cận.
Xem thêm:
July 31st, 2019